Trong sự kiện ngày 15/9/1944, Quân đội của Hitler đã phun một lớp hỏa mù khổng lồ để bảo vệ chiến hạm Tirpitz, khi ấy đang đậu tại Kåfjord (Na Uy) khỏi những đợt tấn công từ hướng Lancaster (Anh) của quân Đồng minh.
Tirpitz là chiến hạm mạnh nhất của Đức Quốc xã, và cũng thuộc loại lớn nhất trong lịch sử hải quân Châu Âu. Song cũng vì kích thước khổng lồ, mà nó có thể dễ dàng bị phát hiện và trở thành mục tiêu tập kích. Vì thế, hải quân của Hitler đã sử dụng khói độc để tạo ra một lớp sương mù nhân tạo nhằm che giấu con tàu khi neo nó tại một vịnh ở Na Uy.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy, chính lớp sương này đã để lại nhiều di chứng lâu dài lên cây cối – được xem như những nhân chứng sống của Chiến tranh thế giới II.
TS. Claudia Hartl, chuyên nghiên cứu về tuổi đời thực vật tại Đại học Johannes Gutenberg ở Mainz (Đức), nhận định: “Hơn 70 năm sau khi kết thúc, Thế chiến II vẫn để lại nhiều ảnh hưởng rõ rệt tại các khu rừng của Nauy.”
Lúc đầu, Hartl đã không định thực hiện một nghiên cứu về tuổi thọ của cây cối qua chiến tranh, mà chỉ đi thu thập mẫu của lõi các cây thông quanh khu vực Kåfjord (gần biên giới phía bắc Bán đảo Scandinavia), nhằm tìm kiếm bằng chứng về khả năng chống chịu với nhiệt độ khắc nghiệt của loài cây này suốt hơn 2000 năm qua (thông có thể sống sót hàng chục, hàng trăm, thậm chí lâu hơn trong các hồ băng)
Tại một địa điểm nằm gần vịnh, Hartl và các đồng nghiệp phát hiện thấy những cây thông đã ngừng tạo thớ gỗ từ năm 1945. “Phản ứng đặc biệt” này hoàn toàn không phù hợp với những lý giải về cơ chế tự tái tạo liên quan đến khí hậu, khiến các nhà khoa học phải đi tìm một giả thuyết khác. Và họ đã nghĩ đến Tirpitz, con tàu từng được neo tại Kåfjord, trước khi bị Quân Đồng Minh đánh chìm vào năm 1944.
Được người Nauy gọi bằng danh hiệu “Nữ hoàng cô độc phương Bắc” và Thủ tướng Anh Winston Churchill lúc bấy giờ coi nó như một con “Quái thú”, Tirpitz đã án ngữ tại Kåfjord để đe doạ các chiến hạm của quân Đồng minh trên đường tiếp tế cho Liên Xô. Để che dấu con tàu, hải quân của Hitler đã giải phóng một lượng lớn acid chlorosulfuric (HSO3Cl) vào không khí, vừa để hút ẩm lại vừa tạo nên một màn sương khổng lồ. Hartl cho biết tác động của lớp sương này đối với môi trường đã không được ghi chép nhiều trong lịch sử. Axit HSO3Cl thường được biết đến với khả năng ăn mòn, và những binh sĩ tiếp xúc với nó đều phải mặc một bộ đồ bảo hộ đặc biệt.
Lấy mẫu của những cây thông tại 6 địa điểm gần vịnh, nhóm nghiên cứu phân tích thấy: những cây nằm xa vị trí neo đậu của Tirpitz thì ít chịu ảnh hưởng của lớp sương; ngược lại, 60% số cây nằm ở gần hơn đã không tiếp tục cho thớ gỗ kể năm 1945, trong đó nhiều cây đã không thể sinh trưởng trong vòng vài năm sau khi kết thúc cuộc chiến. Lý giải cho hiện tượng này, Hartl tin rằng chính lớp sương mù là nguyên nhân gây ra tình trạng trụi lá, ngăn cản quá trình quang hợp của cây.
Những nghiên cứu về sự sinh trưởng của cây cối trong chiến tranh có thể được ứng dụng, kết hợp cùng nhiều lĩnh vực mới nổi khác, như “bomturbation” (ngành tìm hiểu về ảnh hưởng của bom đối với môi trường). Hartl cho rằng đây là một hướng đi thú vị. “Thông thường, cây cối sẽ tăng trưởng chậm lại sau hạn hán và hồi phục trong khoảng 5 năm sau đó. Nhưng, do tác động của Thế chiến II mà những cây thông ở phía Bắc Scandinavia đã phải mất đến 12 năm và hậu quả này mới thật nghiêm trọng làm sao.”, bà nói.